Bóng đá Việt Nam đang “nổi sóng” vì nhiều đội hạng Nhất ồ ạt hút cầu thủ từ giải đấu cao nhất về đầu quân. Hiện tượng “nước chảy ngược” này quả là có nhiều điều đáng nói.

Thỏi “nam châm” hạng Nhất

Chưa bao giờ trong lịch sử giải hạng Nhất có sự góp mặt của nhiều tuyển thủ quốc gia như mùa giải năm nay. Mới đây, tiền đạo Công Phượng sau khi hết hợp đồng với CLB Yokohama (Nhật Bản) đã trở về để khoác áo Trường Tươi Bình Phước. Trước đó, tuyển thủ Đặng Văn Lâm cũng đã quyết định đầu quân cho Ninh Bình để trở thành đồng đội của hàng loạt cầu thủ từng chinh chiến tại V- League cũng cập bến đội bóng cố đô Hoa Lư như Đỗ Thanh Thịnh, Lê Ngọc Bảo, Đinh Thanh Bình, Lê Minh Bình, Nguyễn Hữu Tuấn, Đỗ Văn Thuận.

Gần nhất, bến đỗ mới của tuyển thủ quốc gia Nguyễn Hoàng Đức đã được xác định khi anh quyết định gia nhập Ninh Bình. Hiện tượng “nước chảy ngược” cũng khiến giới chuyên môn dự báo giải cuộc đua thăng hạng mùa giải 2024/25 sẽ căng thẳng vào dạng bậc nhất lịch sử giải đấu này.

Vấn đề đặt ra là, ngoài tiềm lực thì những đội bóng như Ninh Bình, Trường Tươi Bình Phước có gì mà thu hút về mình nhiều cầu thủ chất lượng như thế?

Dưới góc nhìn của mình, HLV Văn Sỹ Sơn đã có những chia sẻ: “Nhìn từ những chuyển động như thế, sẽ thấy được yếu tố tích cực đó là cầu thủ có được môi trường tốt để chơi bóng. Tất nhiên, môi trường chơi bóng ở V-League cao hơn, từ V-League lên được ĐTQG sẽ gần hơn.

Có thể các cầu thủ nhận thấy được tiềm năng, khát vọng, định hướng, chiến lược lâu dài, căn cơ từ những đội bóng hạng Nhất nên họ có chọn lựa như thế. Dù gì đi nữa, được chơi bóng ở môi trường tốt cộng thêm thu nhập sẽ là điều tốt cho cầu thủ”.

Cùng quan điểm với HLV Văn Sỹ Sơn, HLV Nguyễn Thành Công nhìn nhận: “Mình tôn trọng những quyết định hay chọn lựa của các bạn cầu thủ. Mỗi người đều có những tính toán, kế hoạch của riêng mình. Chúng ta thấy những đội bóng mà các tuyển thủ quốc gia về đầu quân đều có tiềm lực, chiến lược đầu tư lâu dài nên cầu thủ nhìn vào đó và có được bước phát triển tiếp theo.

Ở đây, không phải cầu thủ cứ về hạng Nhất là đá ở đó mãi vì có thể các đội bóng sẽ có mục tiêu tiếp theo, lâu dài. Đó có thể là những hứa hẹn cả trước mắt và lâu dài về tham vọng, mục tiêu lẫn phương thức hoạt động”.

Nhìn từ “dòng chảy ngược” - Ảnh 1.

Dấu hỏi chuyên môn

Hẳn nhiên sự hiện diện của các cầu thủ tên tuổi sẽ tạo sức hút, sự quan tâm của truyền thông, cũng như hút khán giả đến sân vận động nhiều hơn, góp phần làm giải đấu sôi động hơn.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến giới chuyên môn lo lắng, rằng ở một giải đấu mà tính cạnh tranh không cao, chất lượng chuyên môn thấp thì liệu các tuyển thủ có duy trì được phong độ, phục vụ tốt nhất cho đội tuyển Việt Nam?

Mối lo này không phải là không có cơ sở, bởi muốn được trau dồi, hoàn thiện về mặt chuyên môn, phát huy hết khả năng thì cần được thi đấu trong một môi trường chuyên nghiệp nhất, cần phải được cọ xát với đối thủ có trình độ cao hơn hoặc ít nhất là tương đồng. Trong khi đó, khoảng cách, trình độ chuyên môn giữa giải hạng Nhất với V-League là khá xa.

Trước những lo ngại rằng những tuyển thủ quốc gia có nguy cơ sa sút phong độ ở môi trường giải hạng Nhất, HLV Văn Sỹ Sơn cũng tỏ ra băn khoăn về điều này: “Mình nghĩ rằng môi trường ở hạng Nhất nó thấp hơn một chút, sự cạnh tranh cũng không quá gắt gao. Không có nhiều đội bóng cạnh tranh suất lên hạng.

Môi trường V-League khốc liệt hơn, từ V-League lên ĐTQG rõ ràng hơn rất nhiều. Sự cạnh tranh ở hạng Nhất cũng có nhưng sự khốc liệt không nhiều, chất lượng cũng như sự phát triển chưa nhiều để cầu thủ vươn tầm lên ĐTQG một cách rõ ràng”.

Cùng chung nhìn nhận, HLV Nguyễn Thành Công chia sẻ: “Đúng là trình độ giữa hạng Nhất và V-League có sự chênh lệch nhất định cũng có thể ảnh hưởng đến góc độ chuyên môn.

Tuy vậy, không phải các cầu thủ xuôi về hạng Nhất là cứ đá ở đó lâu dài, bởi mục tiêu của những đội bóng được đầu tư như thế muốn vươn tầm. Mình hy vọng với kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp, các cầu thủ sẽ biết cách giữ được phong độ”.

Ở những mùa giải gần đây, bóng đá Việt Nam chứng kiến nhiều đội bóng thành công theo thuyết “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Nhưng “gạo, tiền” không phải là tất cả và càng không phải là duy nhất. Sự chuyên nghiệp, chính sách đãi ngộ, định hướng tổng thể ở mỗi CLB vẫn là mục tiêu quan tâm của nhiều cầu thủ quần đùi áo số.

Có lẽ, Ninh Bình, Trường Tươi Bình Phước đáp ứng nhiều yếu tố cần và đủ mới có sức hút mạnh mẽ như vậy với những tuyển thủ quốc gia.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *