Site icon GK88

Ngẫm ngợi cuối tuần: Bao giờ mùa Xuân đến?

Ngẫm ngợi cuối tuần: Bao giờ mùa Xuân đến? - Ảnh 1.

Tôi đến Melbourne nước Úc vào đầu tháng Mười. Bên này tháng Mười đã là mùa Xuân.

Hai bên đường những hàng cây lê đang bung hoa trắng. Ánh ban mai xuyên qua những giọt sương bụi tren lá làm chúng lóng lánh lên lên như pha lê. Những dãy nhà thấp nhỏ, có mái đỏ mái xanh, tường gạch nung không trát ửng màu cam làm cho không gian ấm lên.

Với cái lạnh trên dưới 10 độ, trời lại thi thoảng lất phất mưa cộng với gió bình nguyên cho thấy mùa Xuân nước Úc thật sự dịu dàng và âu yếm con người. Những con chim vẹt kêu “két két”, những con bồ các kêu “quẹc quẹc” giọng thuốc lào cùng đàn chim nhỏ lao xao như đám sáo nâu chích chòe “líp nhíp” trong không khí rười rượi sắc Xuân làm tôi nhớ lại tuổi thơ trên nửa thế kỉ trước ở miền trung du quê nhà.

Ở quê tôi, vào tháng Mười, những đàn cà kiêng, sáo sậu, quạ khoang ràm rạp quanh quẩn ở trên bụi tre làng, trong vườn nhà, chúng cũng líu ríu đùa vui như bầy chim nước Úc hôm nay đón mùa tết đến. Vọng nhớ về quê nhà, nhưng biết còn lâu mới lại được nghe hòa âm của các loại chim rừng. Chúng đã tha hương khi sự khai phá của con người quê mình quá nặng tay.

Đường Melbourne sạch bóng như vừa được những cơn mưa rào rửa trong đêm. Tôi đã vài lần đến Úc đều thấy đường sá sạch sẽ, lúc nào cũng như được lau chùi kĩ lưỡng. Nhưng tôi hiểu ngay vì sao, khi thấy trước mỗi nhà bên đường đều không dưới 3 thùng nhựa to đựng rác thải. Thùng đựng đồ thủy tinh, thùng đựng giấy và các vật liệu tái chế. Còn thùng rác hữu cơ bỏ đi sau bữa ăn hàng ngày. Tất cả được phân loại, cứ tuần một lần với rác thải thông thường, hai tuần với rác tái chế như giấy, thủy tinh, xe đến chở rác đi.

Người ta bảo vệ môi trường bằng hành động chứ không bằng khẩu hiệu. Rất nghiêm khắc và thường xuyên. Trên trục đường chừng 1 cây số, tôi đếm không biết có đến hàng trăm thùng rác đặt trước mỗi nhà. Vậy nên không có rác để bày bừa ra ngoài. Lại chạnh nhớ một con đường ở Hà Nội, chỉ dài ba bốn trăm mét. Cuối tuần nườm nượp người mà không có lấy một thùng rác lưu động. Có hai ba điểm đổ rác cố định, có lúc chất ngồn ngộn bốc mùi. Công nhân vệ sinh bốc quét đã khổ, những nhà ở cạnh còn khổ không kém vì hôi hám. Ấy vậy mà tường rào kẻ khẩu hiệu “Đường thanh niên tự quản”, “Đường hội phụ nữ tự quản”, rồi dọc ngách phố sáng kiến của ai đó làm ba hàng chong chóng trên nóc ngõ xoay tít cù đèn. Ngõ đã hẹp, trên đầu chong chóng rờm rợp, trước cổng mỗi nhà lại hai chậu cây nào trúc nhật, nào thủy cúc, bút ngọc rồi lại lồng đèn rối rít. Cũng tịnh không có một thùng rác nào.

Tôi không hiểu tổ dân phố sao toàn đưa ra sáng kiến rậm rì, phủ thêm đủ thứ hoa hòe lên không gian đã quá chật chội và lắm tiếng ồn này. Chúng ta lâu lắm rồi, quen làm vệ sinh môi trường bằng hô hào.

Đi sang nước người để nhìn lại quê mình mới thấy nỗi buồn vì những nề nếp, cách ứng xử như thế. Có lần tôi đã nói với ông trưởng khối phố về những bức xúc trên, thì ông lại hơn hớn: Để chong chóng quay cho vui mắt chứ bác. Tôi phỏng vấn dân trong phường thì chả ai hưởng ứng treo lồng đèn, chăng dây chong chóng cả. Chỉ tự mấy ông quản khối phố nghĩ ra rồi xoay xở thực hiện theo ý của họ.

Bao giờ mùa Xuân mới đến những khu phố ven đô như thế?

Exit mobile version