Xuất hiện trong sách giáo khoa ở cả 3 thể loại thơ, kịch, truyện, hình như chỉ có mỗi nhà văn Trần Quốc Toàn. Ông nói đùa, tôi được “phổ cập tiểu học” lần nữa vì xuất hiện trong sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5.
Nhà văn Trần Quốc Toàn sinh 1949 tại Hà Nội, hiện sống tại TP.HCM. Ông là tác giả của khoảng 40 đầu sách, có đến gần 30 cuốn viết cho thiếu nhi. Sau vài chục năm cần mẫn “cày xới trên cánh đồng” văn học thiếu nhi, nhà văn Trần Quốc Toàn vẫn luôn đầy cảm hứng khi chia sẻ về đề tài này.
Viết văn như nặn tò he
* Có mặt trong sách giáo khoa tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5, ở nhiều bộ sách khác nhau, điều này có ý nghĩa thế nào đối với ông?
– Khi được kể chuyện, làm thơ, diễn kịch với các em, là được góp công bảo vệ, truyền bá tiếng mẹ đẻ và từ đấy góp phần nâng cao dân trí nói chung. Với tôi, được góp phần dạy trẻ Việt Nam nói đúng, viết đúng, rồi nói hay, viết hay bằng tiếng mẹ đẻ là một việc thật nghiêm cẩn và cũng rất lý thú. Vừa như là trách nhiệm công dân nên làm, vừa như là thách thức người cầm bút.
Là người viết, tôi như người nặn tò he, làm ra các búp bê chữ để các em cầm lên tay, bắt đầu cuộc chơi tưởng tượng của mình. Khi các tò he ấy vào giáo khoa, các em vừa chơi, vừa học. Trong trường hợp này nhà văn được tin tưởng giao thêm việc để có thêm đóng góp với đời sống. Tác phẩm của mình được học năm này, năm sau, năm sau nữa… và nhờ vậy mà bạn đọc của mình tăng dần theo thời gian.
Nói cho có hình ảnh, những sân trường hào phóng nối nhau đưa tới cho các nhà văn có trang giáo khoa con số nhiều triệu độc giả! Tôi thật xúc động khi trong một bài tập nhỏ của giáo khoa, tôi được người cùng phố Hàng Thùng với tôi – nhạc sĩ Hoàng Vân – chơi chữ với các em. Nhạc sĩ Hoàng Vân hát: “Có con chim vành khuyên nhỏ… lễ phép ngoan nhất nhà”, còn tôi kể chuyện “Hai chân trời của con/ Là mẹ và cô giáo” (trang 45,Tiếng Việt 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống).
* Bài thơ “Mẹ và cô” của ông được nhiều trẻ em yêu thích, thuộc lòng. Bài thơ thành ca từ ca khúc thiếu nhi của các nhạc sĩ Nguyễn Khánh Vinh, Minh Đức, Lưu Trọng Hồng, Quỳnh Hợp… Ông chia sẻ kỷ niệm về bài thơ này nhé!
– Năm học 1973-1974 tôi dạy trường cấp 3 Sơn Tây, khi ấy còn thuộc tỉnh Hà Tây. Một chiều thứ Bảy về Hà Nội thăm bà chị ruột ở khu tập thể Kim Liên. Biết tôi thích chơi với con nít, chị dành cho tôi việc đón thằng cháu út từ trường mẫu giáo Kim Liên. Cháu chạy lại với tôi, cô giáo của cháu mỉm cười với tôi, thật chan hòa, tin tưởng. Và gã nhà văn trong tôi đủ hứng để kể câu thành thơ: “Buổi sáng bé chào mẹ/ Chạy tới ôm cổ cô/ Buổi chiều bé chào cô/ Chạy ào vào lòng mẹ/ Mặt trời lặn rồi mọc/ Trên đôi chân lon ton/ Hai chân trời của con/ Là mẹ và cô giáo”.
Bài thơ Mẹ và cô được in trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Ai đó trong nhóm tác giả sách giáo khoa đã lấy bài trên báo này đưa vào sách giáo khoa. Ai, đến giờ tôi cũng chưa biết! Nếu dùng chữ duyên thì đó là duyên…giáo khoa, vì trước khi vào sách giáo khoa quốc gia, bài thơ này từng được nhà sư phạm danh tiếng Lê Trí Viễn (1918-2018) chọn đưa vào sách Thơ văn Đồng Tháp trong nhà trường (1996), thuộc chương trình văn học địa phương.
Bài thơ ấy còn được “kể” thành tranh bích họa mấy mươi mét vuông ở Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (trường điểm của TP.HCM). Duyên nhất là đã ở tuổi…nửa thế kỷ, bài thơ vẫn “trẻ con” để từ sách cũ bước sang sách mới!
Văn học thiếu nhi còn mênh mông đề tài
* Vốn là vốn là nhà giáo, ông đến với văn học thiếu nhi theo con đường nào? Đã đi tới đâu?
– Năm 1987, Trung ương Đoàn, Hội Nhà văn Việt Nam và báo Văn nghệ tổ chứccuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi, tôi gửi tham gia chùm truyện ngắn và được giải Nhất. Ban giám khảo nhận xét trong lễ tổng kết: “Trần Quốc Toàn đã tìm được hướng viết mới, viết về những chuyện thường ngày của các em…Hầu hết những câu chuyện rất ngắn của anh đều vui, vui một cách kín đáo, không ồn ào, vì vậy nên có duyên”. Cứ theo “hướng viết mới”, “chuyện thường ngày”, “ngắn”, “vui” và “có duyên” tôi viết cho thiếu nhi và thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Hiện tôi là thành viên Ban Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn TP.HCM.
* Từ mối liên hệ giữa văn học thiếu nhi với các trang văn trong các sách Tiếng Việt bậc tiểu học, xin hỏi việc biên soạn sách mới đã thật hợp lý chưa? Nếu “cầu toàn”, ông có góp ý gì?
– Vâng! Nếu cho phép cầu toàn thì tôi thấy vài điều chưa hợp lý. Học sinh lớp 1 theo học sách mới chưa được làm quen với Nguyễn Du, mặc dù Truyện Kiều có văn liệu giản dị và trong sáng để các em học ghép vần tiếng Việt, học đọc tiếng Việt, ngay trong những tiết đầu đời. “Lơ thơ tơ liễu buông mành…” chẳng hạn. Dù chưa được học Nguyễn Du, nhưng với La Fontaine, Lev Tolstoy thì lại được. Đấy là điều đáng tiếc.
Sách tiểu học mới, đã dịch thơ thiếu nhi của Pháp, Nga, sao chưa thấy dịch thơ loại này của các tác giả cổ điển Việt Nam, viết bằng chữ Hán cho gần gũi hơn. Như bài Hàn dạ ngâm ấm áp, cảm động của Cao Bá Quát với tấm chiếu và đĩa đèn dầu lạc: “Rét quá không ngủ được/ Dậy chữa lại câu thơ/ Dầu hết gọi nhỏ rót/ Nhỏ cứ nằm ậm ờ/ Vội vàng đi lấy chiếu/ Đắp lên mình chú ta”.
* Viết cả văn và thơ cho thiếu nhi, ông gắn bó nhiều hơn với lĩnh vực nào?
– Tôi còn hơn 10 vở kịch viết cho thiếu nhi, đã dựng và tham gia nhiều liên hoan văn nghệ truyền hình toàn quốc. Còn sách phân tích tác phẩm văn học thiếu nhi Cùng thám tử chữ học tiếng Việt với các nhà văn (đồng tác giả với TS Lê Hồng Mai và TS Nguyễn Thị Quốc Minh, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2018)…Nói vậy để thưa với các bạn văn rằng, trong cõi văn học thiếu nhi còn mênh mông đề tài. Để thú thật, tôi viết tạp vì lý do kiếm sống. Trở lại với câu hỏi cụ thể này, trong cái “tạp” kia, tôi lấy chất thơ làm mực để viết văn, cho dù đó là thơ, truyện, kịch, hoặc phê bình văn học.
* Từ thực tế lao động nhà văn của mình, theo ông, trong ngôn ngữ trẻ thơ ở văn học thiếu nhi, đặc điểm nào là cốt lõi, quan trọng, cơ bản nhất?
– Với văn học thiếu nhi, cốt lõi nhất, cơ bản nhất là ngôn ngữ ấy phải có chất giọng thiên về tưởng tượng. Đấy là việc mà Antoine de Saint-Exupéry đã làm trong Hoàng tử bé. Ông ấy để nhân vật thiếu nhi của mình kể câu chuyện phi thường, chỉ xảy ra trong tưởng tượng của tuổi thơ: Con trăn nuốt sống một con voi khổng lồ và biến thành một “con rắn vuông” na ná hình một chiếc mũ phớt. Trong cách nói ấy, tưởng tượng nhiều hơn là nhận thức.
Xin đưa thêm một chi tiết để khắc sâu đặc điểm này, Hoàng tử bé muốn người phi công vẽ cho nó một con cừu và nó đã bằng lòng khi người phi công vẽ… một cái thùng gỗ với hàm ý con cừu được đựng, được cất giữ trong cái thùng kia. Hiểu rộng ra thì Hoàng tử bé có một ý niệm riêng về loài cừu, con cừu của cậu ta khác với “chuẩn” cừu mà người lớn được học trong các từ điển động vật học.
Ở văn học thiếu nhi nước ta, bằng tưởng tượng, việc chuyển kiếp của cô Tấm đã hình thành và truyền miệng từ đời này qua đời khác.Có tưởng tượng thì xương cá bống mới biến thành áo đẹp giày xinh, xác chim vàng anh mọc lên cây xoan đào, để có khung cửi biết nói tiếng người, than xoan đào mới mọc lên cây thị thơm, cây thơm sinh người đẹp là cô Tấm.
Và không chỉ cổ tích, nhìn vào văn học thiếu nhi Việt Nam hiện đại thì có thể nói, không có tưởng tượng thì không có Dế mèn phiêu lưu kýcủa Tô Hoài, không có Xóm bờ dậu của Trần Đức Tiến, không có Tự truyện một con heo của Lý Lan.
Viết cho thiếu nhi rất thích! Vì thiếu nhi còn hồn nhiên, đọc sách chứ không đọc uy tín, uy quyền của tác giả… Các em chỉ đọc từng chữ trong phần chính văn. Thậm chí bỏ qua lời tựa và dừng lại trước lời bạt, nếu có. Sách dở thì dù của ai cũng không đọc! Tôi tự nhủ, hãy viết như làm đồ chơi cho con, cho cháu mình. Phải chơi đã, dù là chơi chữ, như chơi đồng dao ngày nào.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Đếm trong các sách Tiếng Việt chương trình mới 2018, Trần Quốc Toàn được chọn: 1) truyện Đi tìm vần êm trong Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều; 2) thơ Mẹ và cô trong Tiếng Việt 1, bộ Chân trời sáng tạo; 3) thơ Nấu bữa cơm đầu tiên trong Tiếng Việt 2, bộ Cánh diều; 4) truyện Đi tàu Thống Nhất trong Tiếng Việt 3, bộ Kết nối trí thức với cuộc sống; 5) truyện Mẹ con cùng đọc trongTiếng Việt 4, tập 1, bộ Cánh diều; 6) thơ Buổi sáng đi học trong Tiếng Việt 4, bộ Cánh diều; 7) truyện Tập làm văn trongTiếng Việt 4, bộ Kết nối trí thức với cuộc sống; 8) kịch Sự tích chú Tễu trongTiếng Việt 5, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống; 9) thơ Đường quê Đồng Tháp Mười trongTiếng Việt 5, bộ Kết nối trí thức với cuộc sống.
“Nếu đếm cả các bài ôn tập, các sách tập viết kèm theo, sẽ còn nhiều hơn. Nhưng chỉ với 9 “đơn vị” giáo khoa vừa kể, tôi cũng đã được các nhà giáo khoa thư “phổ cập” tiểu học lần nữa. Được có mặt từ lớp 1 tới lớp 5. Rất vui!” – Trần Quốc Toàn chia sẻ.